Việt Nam đang trong giai đoạn chuyển tiếp sang nền kinh tế tri thức, vai trò của các trường đại học đóng góp cho sự tăng trưởng kinh tế càng trở nên quan trọng hơn bao giờ hết. Ngành giáo dục đại học Việt Nam cũng đang trong xu hướng hội nhập quốc tế. Một trong những thách thức chính yếu mà các trường đại học Việt Nam nói chung và Đại Học Công Nghiệp TP. Hồ Chí Minh nói riêng phải đối mặt là làm thế nào để đào tạo được sinh viên đáp ứng nhu cầu phát triển của xã hội. Một trong những cách tiếp cận để nâng cao chất lượng và chuẩn hóa chương trình đào tạo ngành Quản Trị Kinh Doanh đó là đổi mới phương pháp giảng dạy. Một trong những phương pháp giảng dạy mà nhà trường khuyến khích giảng viên vận dụng là phương pháp giảng dạy dựa vào thực hiện dự án (Project-based learning) và phương pháp đặt vấn đề (Problem Based Learning). Trong học kỳ 1 năm học 2018-2019, 02 giảng viên được Quản Trị Kinh Doanh khuyến khích triển khai thí điểm thực hiện phương pháp giảng dạy PBL đối với sinh viên làm Khóa luận tốt nghiệp là 02 giảng viên Đỗ Thị Thanh Huyền và Trần Phi Hoàng.
Trong phương pháp Project-based learning (giảng dạy theo dự án, học theo dự án), người học trải qua một quá trình tìm tòi, khám phá để trả lời một câu hỏi, một vấn đề hay một thử thách đòi hỏi tư duy sâu do giảng viên đưa ra hoặc gợi ý. Một dự án được lên kế hoạch thực hiện, quản lý, đánh giá cụ thể, phù hợp với nhiều đối tượng sinh viên, nhằm giúp người học tiếp thu được những nội dung học thuật quan trọng, vận dụng kiến thức vào thực tiễn, tiếp cận môi trường làm việc thực tế, rèn luyện và phát triển các kỹ năng của thế kỷ 21 (như làm việc nhóm, giao tiếp và tư duy phản biện) và thành quả là những sản phẩm thực, có chất lượng tốt của chính các sinh viên. Phương pháp giảng dạy Problem Based Learning (dạy học dựa trên vấn đề hay phương pháp đặt vấn đề), là một cách tiếp cận tổng thể trong giáo dục, ở góc độ chương trình học lẫn quá trình học: chương trình học bao gồm những vấn đề được lựa chọn và thiết kế cẩn thận nhằm giúp người học tiếp nhận tri thức một cách có phê phán, tăng cường kỹ năng giải quyết vấn đề, khả năng tự học và kỹ năng làm việc nhóm; Quá trình học có tính hệ thống như quá trình giải quyết vấn đề hoặc thử thách có thể gặp trong đời sống hoặc công việc thông qua một quá trình học hỏi được thiết kế dựa trên những câu hỏi, những vấn đề và những nhiệm vụ thực tiễn đã được xây dựng một cách kỹ lưỡng.
Có 12 sinh viên tự nguyện tham gia thí điểm lần này được chia làm hai nhóm. Mỗi nhóm gồm 06 sinh viên. Nhóm 1 gồm 06 thành viên thực hiện dự án “Vận dụng sự tác động của mạng xã hội để giới thiệu sản phẩm, dịch vụ trong việc khởi nghiệp của sinh viên”. Đề tài này là một phần “Dự án sinh viên Khoa Quản Trị Kinh Doanh và hoạt động khởi nghiệp”. Nhóm này thực hiện dự án xuất phát từ mong muốn của nhiều sinh viên sẽ vận dụng mạng xã hội để khởi nghiệp và từ những ý tưởng khởi nghiệp thông qua mạng xã hội đã thành công trong thực tiễn. Nhóm 2 gồm 06 sinh viên, trong đó có 01 sinh viên đang thực tập tại Công Ty Cổ Phần Công Nghệ Greenbot ( Phạm Vĩnh Phú). Sau khi biết thông tin công ty Greenbot đang thực hiện dự án phát triển nông sản hữu cơ, các giảng viên hướng dẫn đã gợi ý sinh viên thuyết phục công ty Greenbot ký hợp đồng thực hiện dự án và kết quả nhóm này đã thuyết phục ban lãnh đạo công ty Greenbot. Dự án của nhóm mang tên “Những nhân tố ảnh hưởng đến quyết định mua nông sản hữu cơ của công ty cổ phần Công Nghệ Greenbot tại Tp. Hồ Chí Minh”. Dự án này là một phần trong Dự án phát triển nông sản hữu cơ của Công Ty Cổ Phần Công Nghệ Greenbot.
Để thực hiện dự án, các nhóm sinh viên đã lên kế hoạch thực hiện như lập nhóm, phân chia công việc, phân công trách nhiệm, lên lịch làm việc hàng tuần, kế hoạch nghiên cứu và các vấn đề liên quan đến dự án như thủ tục hành chính, tài chính v.v dưới sự cố vấn, tư vấn, hướng dẫn, giám sát và phản biện của 02 giảng viên hướng dẫn.
Quá trình thực hiện dự án là khoảng thời gian dài của sự trãi nghiệm, chia sẻ, gắn kết của tập thể sinh viên và giảng viên. Họ đã đầu tư rất nhiều thời gian, công sức, trí tuệ và nhiệt huyết cho những dự án này nên kết quả đạt được cũng đáng khích lệ. Hàng tuần các nhóm duy trì lịch họp nhóm họp để chia sẻ trao đổi thông tin và hỗ trợ nhau nhằm thực hiện các phần việc giảng viên hướng dẫn giao phó. Các nhóm cũng thường xuyên duy trì họp nhóm với 02 giảng viên hướng dẫn hàng tuần, thậm chí họp nhiều lần trong tuần để báo cáo kết quả nghiên cứu, thực hiện công việc: những việc làm được, những việc chưa làm được và tìm hướng giải quyết. Bên cạnh việc hẹn gặp trực tiếp giữa giảng viên hướng dẫn và sinh viên, các buổi làm việc trực tuyến cũng diễn ra thường xuyên khi cần thiết trên các phương tiện: internet, zalo group, email, điện thoại v.v. Thậm chí sau khi kết thúc dự án giảng viên vẫn giữ kết nối với sinh viên để đánh giá kết quả thực tế về lâu về dài của dự án.
Kết quả nghiên cứu dự án được tham khảo ý kiến từ các thầy cô, từ các chuyên gia trong ngành rau sạch, được trình bày trước hội thảo để lấy ý kiến từ hội đồng khoa học. Buổi báo cáo kết quả dự án PBL được trình bày trước Hội đồng khoa học PBL nhà trường, Hội đồng khoa học khoa Quản Trị Kinh Doanh, doanh nghiệp và quan khách trong không gian đẹp, lịch sự và không khí trang trọng, vui tươi. Báo cáo kết quả dự án PBL của 02 nhóm nhận được sự đồng tình, những lời động viên, khích lệ và ngợi khen từ Hội đồng khoa học, Ban chủ nhiệm Khoa, quan khách và một lời mời hợp tác đối với nhóm 1 về việc giúp một cá nhân này “vận dụng mạng xã hội để giới thiệu sản phẩm và kinh doanh online” của họ sau buổi báo cáo này.
Có thể nói, Project-based learning và Problem-based learning ngày càng được ứng dụng rộng rãi rnhư là nền tảng tổ chức môn học và phương pháp đào tạo được nhiều giảng viên yêu thích và lựa chọn. Với phương pháp này giảng viên định hướng những nội dung quan trọng để hỗ trợ sinh viên phát hiện vấn đề, giải quyết vấn đề thông qua các câu hỏi mang tư duy phản biện. Người học cũng từ đó đặt ra những câu hỏi, tìm kiếm câu trả lời và đưa ra kết luận. Quá trình này dẫn dắt người học xây dựng một ý tưởng, tạo ra một sản phẩm hoặc một dạng thể hiện mới. Quá trình này giúp sinh viên có tư duy phản biện, khả năng giải quyết vấn đề, hợp tác, giao tiếp và trao đổi thông tin, vì để có câu trả lời cho các câu hỏi giảng viên hướng dẫn đưa ra và tạo ra một sản phẩm chất lượng, người học cần tư duy nhiều hơn là ghi nhớ thông tin đơn thuần. Người học cần sử dụng kỹ năng tư duy bậc cao, học cách làm việc theo nhóm hiệu quả, lắng nghe ý kiến của người khác và đưa ra quan điểm của mình một cách rõ ràng, có khả năng đọc nhiều tài liệu, viết hoặc thể hiện bản thân theo nhiều cách khác nhau và trình bày, thuyết trình về vấn đề mình nghiên cứu thuyết phục.
Phương pháp này không chỉ giúp người học xây dựng các kỹ năng làm việc thực tế và hình thành thói quen học tập lâu dài; Cho phép học viên giải quyết các vấn đề về giao tiếp, khám phá cơ hội nghề nghiệp, tương tác cùng với các cố vấn giàu kinh nghiệm, sử dụng công nghệ và thể hiện kết quả dự án của mình với mọi người, không bó hẹp ở bối cảnh lớp học; mà còn tạo cơ hội cho người học thể hiện bản thân, có tiếng nói, học cách làm việc độc lập, có trách nhiệm khi phải đưa ra quyết định, cơ hội được lựa chọn, thể hiện những gì đã học theo cách của riêng mình cũng giúp gia tăng sự say mê học tập của người học.
Thực hiện phương pháp giảng dạy PBL đối với sinh viên làm Khóa luận tốt nghiệp có nhiều thuận lợi, nhưng nếu vận dụng phương pháp PBL trên lớp học có những hạn chế cơ bản sau: Khó vận dụng PBL đối với lớp quá đông sinh viên, vì có quá nhiều sinh viên trong lớp sẽ khó tổ chức sinh viên tham gia thảo luận và phản biện hết 100%; Trong thời gian không nhiều nhưng giảng viên cùng lúc phải đảm bảo giảng dạy theo đề cương môn học, vừa đảm bảo thực hiện đúng phương pháp PBL; Giảng viên sẽ phải đầu tư rất nhiều thời gian và công sức thiết kế bài giảng, nội dung chương trình, chấm bài, kiểm tra, đánh giá, ghi chép nhật ký giảng dạy và tương tác với sinh viên ngay cả khi ở nhà; Khó khăn khi thực hiện đối các lớp sinh viên không chăm chỉ, thụ động, chậm thích ứng với phương pháp dạy học này; Khó áp dụng đối với các lớp học hè, vì thời gian học quá ngắn trong khi sinh viên học cùng lúc nhiều môn nhưng nếu cho sinh viên quá nhiều bài tập sẽ khiến cho các em bị quá tải; Khó khăn khi thực hiện trên lớp học có không gian thiết kế kiểu truyền thống: quá rộng hoặc quá hẹp (chỉ có chiều dài), bàn ghế được bày trí theo hàng ngang và cố định, không kết nối wife internet hoặc wife internet quá yếu, thời tiết nóng bức, âm thanh và ánh sáng không tốt v.v.
Tuy nhiên, với những lợi ích và hiệu quả nêu trên có thể nói Khoa Quản Trị Kinh Doanh và nhà trường nên khuyến khích giảng viên áp dụng phương pháp giảng dạy tích cực này nhiều hơn nữa trong thời gian tới./.