Mục tiêu đào tạo
Mục tiêu chung
Đào tạo thạc sĩ ngành Quản trị kinh doanh sẽ được nâng cao kiến thức ngành, chuyên ngành, có kiến thức chuyên sâu về một số lĩnh vực thuộc chuyên ngành quản trị kinh doanh và các kỹ năng cần thiết để làm việc độc lập, sáng tạo và có năng lực phát hiện, giải quyết những vấn đề, tình huống thuộc lĩnh vực kinh doanh.
Mục tiêu cụ thể
a. Kiến thức
Nắm vững kiến thức nền tảng về các nguyên lý cơ bản, kiến thức tổng hợp về pháp luật, quản lý và bảo vệ môi trường liên quan đến lĩnh vực quản trị kinh doanh. Trang bị kiến thức chuyên ngành, tư duy phản biện và kiến thức thực tế môi trường kinh doanh có tính hội nhập toàn cầu và đầy biến động, để có thể đảm nhiệm công việc của chuyên gia và giải quyết các công việc phức tạp trong lĩnh vực quản trị kinh doanh; nâng cao kiến thức chuyên sâu trong lĩnh vực quản trị kinh doanh để có thể phát triển kiến thức mới và tiếp tục nghiên cứu ở trình độ cao hơn;
b. Kỹ năng
Nhận dạng cơ hội kinh doanh, huy động và tổ chức nguồn lực để thực hiện thành công các cơ hội đó. Xây dựng mô hình tổ chức phù hợp với các đặc điểm kinh doanh và hoạch định chiến lược kinh doanh. Nhận dạng và giải quyết kịp thời các vấn đề nảy sinh trong thực tiễn sản xuất kinh doanh trên cơ sở sử dụng có hiệu quả nhất các nguồn lực hữu hạn của tổ chức. Làm chủ các kĩ năng lãnh đạo, kĩ năng ra quyết định để đương đầu với các biến động.
Trang bị kỹ năng ngoại ngữ ở mức có thể hiểu được các ý chính của một báo cáo hay bài phát biểu về các chủ đề quen thuộc trong công việc liên quan đến ngành quản trị kinh doanh; có thể sử dụng ngoại ngữ để diễn đạt, xử lý một số tình huống chuyên môn thông thường; có thể viết được báo cáo có nội dung đơn giản, trình bày ý kiến liên quan đến công việc chuyên môn.
c. Vị trí công việc có thể đảm nhiệm của người học sau khi tốt nghiệp
– Có khả năng đảm nhận các vị trí lãnh đạo cấp cao và cấp trung trong các doanh nghiệp và các tổ chức kinh tế – xã hội, cơ quan quản lý nhà nước;
– Là các chuyên gia tham mưu cho lãnh đạo doanh nghiệp trong điều hành quản lý và sản xuất kinh doanh: Xây dựng chiến lược phát triển cho doanh nghiệp, tham gia lập dự án và thẩm định các dự án kinh doanh của doanh nghiệp…;
– Là các nhà nghiên cứu, hoạch định chính sách và chiến lược kinh doanh ở các viện nghiên cứu, các cơ quan quản lý nhà nước;
– Có thể tiếp tục nghiên cứu để giảng dạy chuyên sâu về quản trị kinh doanh ở các trường đại học, cao đẳng chuyên nghiệp;
– Tiếp tục tham gia đào tạo ở bậc tiến sĩ trong và ngoài nước về chuyên ngành quản trị kinh doanh.
Chuẩn đầu ra
CĐR 1: Hiểu được lý thuyết cơ bản của ngành và liên ngành, cũng như những quy luật chung của môi trường kinh doanh thời hội nhập làm nền tảng cho việc tiếp nhận, vận dụng và kiến tạo tốt kiến thức ngành quản trị kinh doanh;
CĐR 2: Hiểu được kiến thức thực tế và lý thuyết sâu, rộng, tiên tiến về các lĩnh vực chức năng cốt lõi của một tổ chức kinh doanh;
CĐR 3: Hiểu rõ và vận dụng được các kiến thức về quản trị, quản lý trong phân tích và giải quyết các vấn đề về hoạch định, tổ chức, triển khai và kiểm tra giám sát các hoạt động quản trị trong doanh nghiệp một cách sáng tạo;
CĐR 4: Phản biện, phân tích, tổng hợp, đánh giá được dữ liệu và thông tin để đưa ra giải pháp xử lý các vấn đề một cách khoa học;
CĐR 5: Tổng hợp, truyền đạt, phổ biến được tri thức dựa trên nghiên cứu, thảo luận các vấn đề chuyên môn và khoa học với người cùng và khác ngành;
CĐR 6: Làm chủ được các kỹ năng lãnh đạo, kỹ năng ra quyết định và hoạch định chiến lược kinh doanh để tổ chức, quản trị và quản lý được các hoạt động nghề nghiệp tiên tiến;
CĐR 7: Có kỹ năng nghiên cứu phát triển và sử dụng các công nghệ một cách sáng tạo trong lĩnh vực học thuật và nghề nghiệp;
CĐR 8: Đạt trình độ ngoại ngữ tối thiểu tương đương chuẩn B1 Khung châu Âu hoặc bậc 3/6 theo Khung năng lực ngoại ngữ dành cho người Việt Nam.
CĐR 9: Có khả năng nghiên cứu đưa ra những sáng kiến quan trọng trong hoạt động kinh doanh và quản lý;
CĐR 10: Có khả năng thích nghi với môi trường làm việc có tính cạnh tranh cao trên phạm vi quốc tế, tự định hướng phát triển năng lực cá nhân và hướng dẫn người khác thực hiện nhiệm vụ;
CĐR 11: Có khả năng đưa ra những kết luận mang tính chuyên gia trong lĩnh vực kinh doanh;
CĐR 12: Có khả năng quản lý, đánh giá và cải tiến các hoạt động chuyên môn để nâng cao hiệu quả hoạt động nghề nghiệp phù hợp với đạo đức kinh doanh và văn hóa doanh nghiệp.